Ngọc Bích và Cẩm Thạch đều được gọi chung là Ngọc Jade. Qua bài viết Phân biệt Ngọc Bích và Ngọc Cẩm Thạch trước đó của Vòng Đá 5A, tôi đã phân tích đủ để các bạn có thể nhận biết một cách cơ bản nhất. Bài viết này sẽ đi chuyên sâu hơn và chi tiết hơn về cả ngọc bích lẫn cẩm thạch. Mời các bạn tham khảo tiếp.
Lịch sử của Ngọc Bích và Cẩm Thạch
Ngọc Jade được con người biết đến từ thời xa xưa. Ngay từ thời kỳ đồ đá, jade đã được con người sử dụng làm các công cụ sản xuất khác nhau. Sau này, jade được dùng nhiều để chế tạo các đồ trang sức và mỹ nghệ, nhất là ở Trung Mỹ, ở đây jade được coi là đá thần của người Aztek và được đánh giá cao hơn cả vàng. Cho đến nay người ta đã tìm thấy các sản phẩm mỹ nghệ, các mũi tên làm từ jadeite thuộc nền văn hóa Maja xa xưa tại các nước Guatemala, Mexico, Peru, Panama, Costa Rica.
Tuy thế trong suốt khoảng 3000 năm, người ta không phân biệt được giữa Jadeite và một số loại đá quý giống nó là Nephrite. Ở Trung Quốc, hai loại đá quý này đều có tên gọi chung là “玉“ (phiên âm “yù”) trong Tiếng Việt là “Ngọc”. Nó tượng trưng cho sự thịnh vượng, sắc đẹp và tình hữu hảo.
Tại châu Âu, vào thời gian người Tây Ban Nha xâm chiếm Trung và Nam Mỹ, hai khoáng vật này có tên gọi là “jade”, xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha piedrra deijada – đá danh dự, hay đá “mạng sườn” vì theo một số bộ lạc ở Mexico, đá này có thể chữa được bệnh đau ở mạng sườn. Vào đầu thế kỷ 18, jade bắt đầu được đưa đến châu Âu từ Trung Quốc. Cho đến tận bấy giờ, cả 2 loại đá quý này đều vẫn có một tên gọi chung là ngọc jade. Và chỉ đến năm 1869, nhà khoáng vật học người Pháp Demur mới phân biệt được 2 loại khoáng vật này.
Ngọc Bích và Cẩm Thạch – Ngọc Cẩm Thạch Jadeite
Cẩm thạch thường được tạo thành trong quá trình biến đổi chất ở nhiệt độ cao. Khu vực khai thác jadeite chủ yếu trên thế giới là các tỉnh phía bắc của Miến Điện, các mỏ này được khai thác từ hơn một nghìn năm nay.
Các mỏ cẩm thạch nhỏ hơn còn được phát hiện ở Guatemala (Metagau), Mỹ (Clair Cleed, bang California), Nhật Bản. Tuy nhiên, khối lượng khai thác không đáng kể và chiếm một thị phần rất nhỏ trên thị trường thế giới.
Tại Việt Nam, ngọc jade đã được phát hiện tại vùng Cò Phương (Sơn La), tuy nhiên chúng thường có chất lượng thấp và chỉ được dùng để chạm khắc.
Màu sắc | Màu Lục (chủ yếu) và có thể tồn tại ở tất cả các màu khác |
Thành phần | NaAlSi2O6 |
Độ cứng | 6.5-7 Mohs |
Tỷ trọng | 3.20 – 3.28 |
Chiết suất | 1.652 – 1.688 |
Cát khai | Không |
Ánh | Thủy tinh |
Tính đa sắc | Không |
Phát quang | Lục nhạt (trắng mờ) |
Phổ hấp thụ | Màu lục: 691, 655, 630,495,450,437,433 |
Phân loại ngọc cẩm thạch
Ngọc cẩm thạch Jadeite thường có cấu trục hạt hoặc sợi, do vậy chúng có độ dai rất lớn. Cẩm thạch có thể gặp ở tất cả các màu khác nhau và thường được gọi bằng các tên khác nhau tùy theo đặc điểm màu sắc và chất lượng:
- Jade hoàng gia (imperial jade): Là loại cẩm thạch có nguồn gốc từ Miến Điện, có màu xanh lục emerald thường bán trong suốt đến trong suốt.
- Chloromelanit: Là loại đá bao gồm khoáng vật kosmochlor và các khoáng vật khác như jadeite, albit. AThuowfng có màu lục đậm với các đốm màu đen lục tối hoặc các mạnh mỏng của khoáng vật clorit.
- Yunan jade: Là tên gọi loại cẩm thạch được nhập khẩu từ Miến Điện sang Trung Quốc qua địa phận tỉnh Vân Nam (Yunan).
Cẩm thạch có thể được xử lý nâng cấp chất lượng bằng các phương pháp nhuộm màu bằng các thuốc nhuộm khác nhau (thường là các chất nhuộm có màu xanh lục), bằng cách tẩy màu xấu đi và gắn kết bằng polymer. Ngọc Jadeite sau khi xử lý thường được gọi bằng các tên khác nhau:
- Ngọc tự nhiên: A-Grade Jade
- Ngọc xử lý bề mặt: B-Grade Jade
- Ngọc nhuộm màu: C-Grade Jade
- Ngọc xử lý bề mặt và nhuộm màu: B+C Grade Jade
Cách nhận biết Cẩm Thạch tự nhiên
Ở dạng thô cẩm thạch dễ nhận biết bởi thường tạo thành các khối, cục, tảng với kích thước và trọng lượng khác nhau, ở dạng cuội sống suối.
Ở dạng chế tác cẩm thạch màu lục dễ nhầm lẫn với chrysopras, ngọc bích, mã não màu lục, ngọc lục bảo, thủy tinh… Để phân biệt cẩm thạch với các loại đá màu lục khác ngoài việc xác định và so sánh các tính chất vật lý và quang học, một số đặc điểm rất quan trọng để nhận biết cẩm thạch đó là chúng thường có cấu trúc sợi. Đặc điểm này ta có thể dễ dàng quan sát khi dùng kính lúp hoặc dưới kính hiển vi. Đa số các loại đá màu lục khác thường có cấu trúc kết tinh (ngọc lục bảo) hoặc vi tinh (mã não, chrysopras,…) hay vô định hình (thủy tinh).
Trên thị trường có thể gặp các vòng tay ngọc cẩm thạch được làm giả bằng thủy tinh màu lục, để phân biệt ta có thể dựa vào đặc tính dẫn nhiệt khác nhau của chúng.
Nhận biết cẩm thạch xử lý bề mặt (B Jade)
Việc nhận biết cẩm thạch loại B tương đối dễ dàng bằng việc quan sát đặc điểm bề mặt của chúng bằng kính lúp hoặc kính hiển vi quang học. Ở độ phóng đại lớn, các khe nứt được lấp đầy bằng polymer dễ dàng nhận ra với độ trong cao, ánh nhựa hoặc sáp và đặc biệt là ở một số khe nứt kích thước lớn hoặc các ổ nhỏ lấp đầy ta quan sát được đặc điểm bọt khí trong polymer.
Cũng có thể dùng đèn cực tím để nhận biết khi các chất polymer lấp đầy thường phát quang mạnh dưới tia cực tím.
Phân biệt cẩm thạch nhuộm màu (C Jade và B+C Jade)
Một đặc điểm của cẩm thạch nhuộm màu là các chất màu thường có xu hướng tập trung không đồng đều. Màu thường đậm hơn theo các cấu trúc hạt hoặc sợi của cẩm thạch. Ở loại Jade B+C ta dễ dàng nhận thấy màu nhuộm tập trung nhiều ở các khe nứt được hàn gắn, trong các vết rỗ, vết ăn mòn tạo thành sau quá trình tẩy. Dùng kính lọc Chelsea, đèn cực tím hoặc soi phổ hấp thụ cũng giúp phân biệt cẩm thạch nhuộm màu. Dưới kính lọc Chelsea cẩm thạch C có màu đỏ. Dưới đèn cực tím, cẩm thạch C thường phát quang mạnh hơn, đặc biệt là những khu vực chất màu tập trung nhiều. Phổ hấp thụ của C-Jade bị mất vạch 415nm.
Ngọc Bích và Cẩm Thạch – Ngọc Bích Nephrite
Tên gọi Nephrite có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp λίθος νεφριτικός; νεφρός λίθος, có nghĩa là “quả thận” vì theo niềm tin của người xưa, ngọc bích nephrite làm giảm các cơn đau trong gan và thận. Ngọc bích thường ở dạng tập hợp sợi liên kết chặt chẽ với nhau và do vậy chúng thường dai hơn cẩm thạch. Cũng giống như cẩm thạch, ngọc bích có thể gặp ở tất cả các màu khác nhau, tuy nhiên màu lục vấn là màu được ưa chuộng hơn và có giá trị cao hơn. Ngọc bích được hình thành liên quan đến các đá serpentin. Các mỏ ngọc bích đáng chú ý nhất có trên lãnh thổ Trung Quốc. Năm 1969, các mỏ ngọc bích lớn nhất đã được tìm thấy ở Canada. Ngoài ra các mỏ ngọc bích cũng được tìm thấy ở Australia, New Zealand, Mỹ, Ba Lan, Đài Loan nhưng với trữ lượng nhỏ hơn.
Màu sắc | Màu Lục (chủ yếu), trắng và có thể tồn tại ở tất cả các màu khác |
Thành phần | Ca2(Mg,Fe)5(OH)2(Si4O11)2 |
Độ cứng | 6-6.5 Mohs |
Tỷ trọng | 2.90 – 3.03 |
Chiết suất | 1.600 – 1.627 |
Ánh | Thủy tinh |
Cát khai | Không |
Tính đa sắc | Không |
Phát quang | Không |
Phổ hấp thụ | Màu lục: 689,509,490,460 |
Cách nhận biết đá Ngọc Bích Nephrite
Ngọc bích có thể bị nhầm với các khoáng vật ngọc lục bảo, hydrogrosular, vesuvianit, serpentin, prehnit, amazonit, thạch anh xanh, pras, smithsonit, smaragdit và verdit. Để nhận biết ngọc bích ta căn cứ vào cấu trúc sợi của nó. Phân biệt với hydrogrosular (Jade châu Phi) bằng tỷ trọng, ánh và chiết suất. Ngọc bích nephrite phân biệt với cẩm thạch jadeite bởi tỷ trọng, tỷ trọng của ngọc bích thường <3.0 còn tỷ trọng của cẩm thạch thường >3.0. Ngọc bích phân biệt với serpentin bởi độ cứng, phân biệt với thạch anh xanh bởi chiết suất và tỷ trọng, cũng có thể xem cấu trúc của chúng để phân biệt.
Qua bài viết đầy đủ về Ngọc bích và cẩm thạch hy vọng đã giải đáp phần nào thắc mắc của độc giả về chúng. Chúc các bạn tìm được món hàng ưng ý nhất.
Các kênh hỗ trợ nhanh của Vòng Đá 5A:
- Facebook: https://www.facebook.com/VongDa5A/
- Zalo: 0362.943.234